Tretinoin là hoạt chất “thần thánh” trong điều trị mụn và chống lão hóa cho da mặt. Tuy nhiên, hoạt chất này cũng là một con dao 2 lưỡi khi sử dụng. Trước khi quyết định có nên sử dụng hoạt chất để điều trị mụn hay không, hãy cùng Tudienlamdep.org tìm hiểu kĩ lưỡng về thành phần này.
Đi nhanh đến nội dung
I – Tretinoin là gì?
Tretinoin hay còn gọi là Retinoic acid, đây là một trong những dẫn xuất của vitamin A (retinoids). Tretinoin thuộc nhóm các thuốc da liễu và là kem bôi ngoài da có tác dụng chống mụn vào hạng tốt nhất.
Hoạt chất này được phát triển từ cuối những năm 1950 và được đưa vào sử dụng trong y tế từ năm 1962. Thành phần này đã được FDA Mỹ kiểm duyệt và đưa vào sử dụng từ năm 1971 dưới tên gọi Retin A.
Người dân châu Âu chỉ được mua kem có thành phần này khi có chỉ định của Bác sĩ dưới các dạng: Retin-A, Tretin-X, Refissa, Renova. Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Á như Thái Lan hoặc Việt Nam, các bạn có thể dễ dàng mua chúng với nồng độ từ 0,025%, 0,05% và 0,1%.
Tretinoin hay các thành phần dẫn xuất vitamin A được biết đến như một hoạt chất thần thánh trong điều trị mụn và chống lão hóa. Hoạt chất ngăn sự phát triển của tuyến dầu nhờn trên da, làm thông thoáng lỗ chân lông và kháng khuẩn, chống viêm, từ đó giảm thiểu sự phát triển của mụn.
Thêm nữa, Retinoids còn giúp tăng sinh collagen, do vậy, khi sử dụng retinoids để điều trị mụn, tốc độ phục hồi da nhanh, sẹo và thâm cũng nhanh biến mất.
II – Tác dụng cụ thể của Tretinoin? Bạn có thực sự phù hợp?
Tretinoin là cái tên thường được nhắc đến khi nhắc đến sản phẩm trị mụn.
Theo một nghiên cứu năm 2009 cho thấy, nhóm người sử dụng gel tretinoin 0,05% và một loại gel tretinoin khác 0,1% cải thiện tình trạng mụn trứng cá đáng kể hơn so với nhóm chỉ sử dụng các chất tác dụng phụ đến da ở mức độ nhẹ hoặc trung bình trong 12 tuần.
Đồng thời, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự kết hợp giữa Tretinoin và Clindamycin 1% gel có công dụng ngừa mụn vượt trội hơn so với Benzoyl Peroxide 2,5% gel và Padifloxacin 1%. Chúng giúp giảm mức độ tổn thương trên da mặt từ mức 13,70 ± 4,80 xuống còn 1,30 ± 2,95 chỉ sau 12 tuần điều trị
Chưa hết, hoạt chất này còn có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa tình trạng lão hóa, cải thiện nếp nhăn. Tretinoin sẽ hoạt động để hạn chế sự hình thành các enzym gây suy giảm collagen trên da, tăng cường sản sinh collagen và kích thích tuần hoàn máu cho da luôn căng mịn và trắng hồng.
Khi sử dụng hoạt chất này, lớp hạ bì da trở nên dày hơn, góp phần cải thiện bề mặt cũng như trẻ hóa làn da.
Một thí nghiệm nhỏ cho thấy sự khác biệt giữa nhóm người chỉ chăm sóc da bằng các sản phẩm không kê đơn và nhóm người sử dụng thêm Tretinoin 0,02%. Sau 12 tuần, nếp nhăn và tình trạng lão hóa trên da được cải thiện đáng kể.
➥ Kết luận:
Những người gặp vấn đề về da như mụn thâm, tàn nhang, lốm đốm, da không đều màu hoặc bị lão hóa sớm nên tham khảo thêm các công dụng đến từ thành phần này
Đối với người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng cũng như hoạt động của chất này. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những hiện tượng không mong muốn nhé.
III – Tác dụng phụ của Tretinoin
Tretinoin là một thành phần khá an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt chất này vẫn có một vài tác dụng phụ nhất định. Tùy vào cơ địa mỗi người mà mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau.
Tác dụng phụ phổ biết nhất của Tretinoin là gây nóng rát trên da. Bạn sẽ có cảm giác châm chít một chút và đi kèm theo đó là tình trạng da khô nóng, ngứa tấy và nổi ban đỏ.
Tiếp theo, hoạt chất này có thể làm tình trạng mụn của bạn trầm trọng hơn trước. Thời gian này gọi là đẩy mụn. Sau một thời gian, tình trạng đẩy mụn sẽ kết thúc.
Một số tác dụng phụ có thể tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên, một vài ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như sưng, bỏng mặt, viêm kết mạc, sưng mí mắt, đổi màu da, phồng rộp… Nếu gặp phải các tình trạng này, bạn nên rửa sạch Tretinoin trên da và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn
Không chỉ vậy, một số người còn phản ứng cực mạnh với thuốc Tretinoin dẫn đến phát ban, sưng, khó thở, ngứa ngáy và cả chóng mặt…
IV – Cách dùng Tretinoin hiệu quả
Điều đầu tiên bạn cần chú ý chính là tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều dùng và cách dùng. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc câu hỏi liên quan.
☞ Liều dùng:
Tùy theo mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê toa và định ra liều dùng khác nhau. Bạn nhớ không được tự ý thay đổi liều lượng trừ khi có sự cho phép của bác sĩ.
– Đối với mụn trứng cá:
- Dạng kem/gel/chất lỏng: Người lớn sử dụng 1 lần/ ngày trước khi đi ngủ. Thời gian đầu nên sử dụng cách ngày để da quen với tretinoin. Trẻ em cần phải theo hướng dẫn bác sĩ
- Dạng kem dưỡng da: Người lớn và trẻ em hơn 9 tuổi thoa một lớp mỏng trên da buổi tối trước khi đi ngủ. Trẻ em dưới 9 tuổi cần phải theo hướng dẫn bác sĩ.
– Đối với vấn đề da khác: Các nếp nhăn, lốm đốm, tàn nhang, bị ảnh hưởng tác dụng của ánh nắng mặt trời:
- Người lớn dưới 50 tuổi nên dùng một lần/ ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ
- Người cao tuổi nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng nhé.
☞ Lưu ý khi sử dụng:
– Không nên thoa Tretinoin lên vùng da bị cháy nắng hoặc trên vết thương hở
– Không bôi thuốc lên các khu vực nhạy cảm trên mặt như: mắt, môi hoặc bên trong mũi. Nếu vô tình dính phải, bạn hãy nhanh chóng rửa thật sạch bằng nước nhé.
– Trước khi thoa Tretinoin, bạn nhớ rửa sạch da bằng xà phòng hoặc nước ấm và nhớ kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng nhé, không nên dùng bọt biển rửa mặt vì có thể gây xước da nhẹ. Chú ý để da khô trong tầm 20 – 30 phút mới bôi thuốc vì hoạt chất khi gặp ẩm có thể gây kích ứng.
– Đối với dạng kem hoặc gel: Bạn chỉ cần cho một lượng bằng hạt đậu ra lòng bàn tay và từ từ thoa nhẹ đều lên da, nhớ kết hợp vỗ nhẹ và masage để tinh chất thấm nhanh hơn nhé.
– Đối với dạng lỏng: Bạn nên dùng miếng gạc, bông tăm hoặc bông tẩy trang thấm nhẹ Tretinoin và thoa đều vào vùng da mong muốn nhé. Nhớ không thấm quá nhiều dịch vì chúng có thể chảy tràn vào vùng da khác.
– Chú ý rửa tay thật sạch sau khi thoa thuốc nhé
☞ Hướng dẫn bảo quản:
- Tránh xa tầm tay trẻ em
- Không giữ lại thuốc quá thời hạn sử dụng nhé
- Bảo quản thuốc trong hợp kín ở nhiệt độ phòng, tránh độ ẩm và ánh nắng trực tiếp
- Không được bảo quản trong tủ lạnh hoặc để đông chúng
- Tretinoin dạng gel rất dễ cháy nên bạn nhớ để tránh xa lửa ra nhé.
V – Lưu ý khi sử dụng Tretinoin
1. Các điều cần biết trước khi sử dụng
Trước khi sử dụng bạn nên cân nhắc thật kỹ về công dụng cũng như những rủi ro mà thuốc có thể mang lại nhé
– Dị ứng: Nói ngay với bác sĩ nếu như có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào khi sử dụng thuốc. Ngoài ra bạn nên cho bác sĩ biết mình có bị dị ứng với các chất khác hay không, ví dụ như: thực phẩm, chất bảo quản, thuốc nhuộm…
– Trẻ em cần cân nhắc khi sử dụng Tretinoin. Hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào dành cho trẻ em dưới 9 tuổi với tác dụng của thuốc
– Người lớn tuổi vẫn có thể dùng thuốc mà không hề bị suy giảm công dụng hay hoạt tính của hoạt chất này
– Với những sản phụ loại D, việc sử dụng Tretinoin có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên nếu trong trường hợp điều trị khẩn cấp hay bắt buộc điều trị, lợi ích sẽ lớn hơn nguy cơ gây hại
– Đối với phụ nữ đang cho con bú, dù hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho trường hợp này, tuy nhiên cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ về lợi ích và nguy cơ tìm năng khi vừa dùng Tretinoin vừa cho con bú nhé.
– Vấn đề tương tác thuốc: vì các loại thuốc có thể tương tác lẫn nhau, cần chú ý liều dùng của bác sĩ cũng như báo rõ bản thân có đang sử dụng thực phẩm chức năng hay bất kỳ loại thuốc kê đơn nào khác hay không để được tư vấn
– Ngoài ra, cần chú ý tương tác giữa Tretinoin với các loại thực phẩm khác. Đồng thời những người dùng rượu với thuốc lá cũng có thể gặp phải tương tác. Vì vậy cần nghe theo chỉ dẫn của chuyên gia nhé.
– Đối với những bệnh nhân da liễu như: Viêm da tiết bã nhờn, chàm hay dị ứng… cần sử dụng cẩn thận và lưu ý bác sĩ trước khi dùng.
2. Biện pháp phòng ngừa
Trong 3 tuần sử dụng đầu tiên, bạn có thể bị kích ứng và thậm chí tình trạng mụn có thể trở nên trầm trọng hơn. Có thể mất hơn 12 tuần để bạn thấy được sự cải thiện rõ rệt trên da của mình. Nếu bạn đã dùng được 8 – 12 tuần mà chưa thấy tác dụng thì hãy báo ngay với bác sĩ để kịp thời kiểm tra và tư vấn nhé.
Đặc biệt, bạn nên tránh rửa vùng da dùng Tretinoin trong vòng 1 giờ sau khi bôi thuốc để chúng có thể ngấm vào da nhé.
Tránh dùng thêm loại thuốc bôi nào khác trên cùng một vùng da dùng Tretinoin hoặc bôi chồng lên khi chưa đầy 1 tiếng thoa sản phẩm. Nếu làm như vậy, thuốc có thể không phát huy đúng công dụng và có thể gây ra kích ứng.
Các sản phẩm không dùng chung với Tretinoin:
- Các sản phẩm trị mụn có chứa thành phần làm bong tróc da như: Benzoyl Peroxide, Resorcinol, Axit Salicylic hoặc lưu huỳnh
- Các sản phẩm có thể gây kích ứng như thuốc triệt lông vĩnh viễn
- Các loại sản phẩm chăm sóc da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
- Sản phẩm có cồn trong thành phần (kem cạo râu hoặc kem dưỡng sau khi cạo râu)
- Các sản phẩm có thể gây khô da hoặc có khả năng ăn mòn (xà phòng, chất tẩy rửa sls…)
Bạn nên dùng Tretinoin vào ban đêm để chúng không gây tương tác với các sản phẩm chăm sóc đã dùng vào ban ngày nhé
Trong 6 tháng đầu tiên sử dụng, bạn nhớ hạn chế tiếp xúc các khu vực dùng thuốc với ánh nắng mặt trời, gió hoặc thời tiết lạnh. Vì da sẽ rất dễ bị khô, cháy nắng hoặc kích ứng đặc biệt trong 2 – 3 tuần đầu tiên.
Không nên tự ý ngừng sử dụng sản phẩm chứa hoạt chất này trừ khi bị kích ứng nghiêm trọng
Nhớ kết hợp với dùng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 15 và che chắn cẩn thận khi ra đường, dùng thêm kem dưỡng ẩm hoặc kem dưỡng da để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé.
Hãy đến bác sĩ hoặc cơ sở ý tế gần nhất khi phát hiện dấu hiệu kích ứng hoặc khô da để được tư vấn về các sản phẩm khắc phục phù hợp với tình trạng của bạn.
VI – So sánh Tretinoin với các phái sinh vitamin A khác
Các phái sinh vitamin A khác như Retinol, Adapalene và Isotretion cũng khá phổ biến và người dùng phân vân không biết nên dùng hợp chất nào. Tudienlamdep sẽ giải đáp giúp bạn.
1. Retinol và Tretinoin
Retinol có thể giúp da của bạn trắng mịn và mềm mại hơn. Tuy nhiên, trên thực tế chất này không tác động trực tiếp vào da. Retinol sẽ kết hợp với các enzym dưới da để chuyển hóa thành acid Retinoic, khi này tác dụng mới thật sự phát huy.
Còn Tretinoin đã là Acid Retinoic vì thế không cần mất thời gian chuyển đổi mà chúng sẽ tác động ngay vào da. Như đã đề cập ở trên, chất này giúp làm sáng mịn da, trị mụn và ngăn ngừa lão hóa tốt.
Do vậy, có thể thấy Tretinoin mạnh hơn Retinol và tác dụng nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu bắt đầu sử dụng, bạn nên chọn loại Retinoids yếu để sử dụng. Tác dụng khi sử dụng vẫn như thế nhưng kết quả sẽ lâu hơn.
2. Adapalene và Tretinoin
Adapalene là một Retinoid cùng thế hệ với Tazarotene, chất này đã được Hiệp hội FDA chứng nhận và cấp phép sử dụng vào năm 1996. Adapalene chủ yếu được dùng để điều trị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ đến trung bình và cũng được bán theo toa. Đồng thời, chất này còn được dùng để điều trị keratosis pilaris nếu như có chỉ định của bác sĩ.
Trong khi đó, Tretinoin có tuổi đời lớn hơn nhiều so với Adapalene, chất này đã được cấp bằng sáng chế năm 1957 và được FDA cấp phép sử dụng vào năm 1962. Đây là thành phần trong nhiều loại thuốc trên thế giới trong đó có cả Treclin.
3. Isotretinoin và Tretinoin
Isotretinoin và Tretinoin là hai cái tên thường gây nhầm lẫn bởi chúng có một vài điểm tương đồng sau: cả hai đều có nguồn gốc từ vitamin A, có tác dụng trị mụn tốt và thường được bán theo đơn. Đồng thời hai chất này đều có cấu tạo phân tử khá giống nhau.
Tuy nhiên, isotretinoin là dạng uống còn Tretinoin điều trị mụn tại chỗ bằng cách thoa
Tretinoin giúp điều trị mụn trứng cá nhẹ hoặc trung bình, đồng thời xóa mờ các lốm đốm, đồi mồi, nếp nhăn trong khi Isotretinoin được chọn để trị dứt điểm tình trạng mụn trứng cá viêm nặng và không có tác dụng cải thiện lão hóa hoặc tăng sắc tố da.
Tretinoin được dùng trong thời gian dài còn Isotretinoin chỉ dùng trong thời gian ngắn đến khi hết mụn bạn có thể ngưng thuốc.
VII – Kết luận
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu thêm nhiều thông tin về thành phần Tretinoin trong mỹ phẩm và các thuốc bôi khác cũng như giúp bạn phân biệt được các dẫn xuất của vitamin A. Hy vọng các chia sẻ trên đây đủ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết trong việc trị mụn trứng cá và chăm sóc da của mình.
Nguồn bài viết tham khảo:
- WebMD: Tretinoin Topical: Uses, Side Effects, Interactions, Pictures, Warnings and Dosing
- For hims, article Tretinoin 101: How it works, uses, side effect and more
- MayoClinic, article Tretinoin: Topical Route
- Drugbank, article Tretinoin
- TheIndependentpharmacy, article Adapalene vs Tretinoin
- VeryWellHealth, article Different between Tretinoin and Isotretinoin
- NBCI, research Tretinoin. A review of its pharmacological properties and clinical efficacy in the topical treatment of photodamaged skin.