Disodium EDTA

disodium edta

Disodium EDTA là thành phần được sử dụng trong dầu gội, kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác như một tác nhân chelating. Và chất này có vai trò cải thiện sự ổn định của sản phẩm. Hãy cùng TuDienLamDep tìm hiểu sâu về chất này qua bài viết sau đây nhé.

I – Nguồn gốc của Disodium EDTA

EDTA là tên gọi tắt của axit Ethylenediaminetetraacetic hay có tên khác là axit Edetic. Hợp chất này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1935 bởi nhà khoa học Ferdinand Münz. EDTA chính là hợp chất tổng hợp của Ethylenediamine và axit Chloroacetic

Ngày nay, EDTA chủ yếu được tổng hợp từ Ethylenediamine, Formaldehyd và Natri cyanide. EDTA được sản xuất dưới dạng một số muối, đáng chú ý là EDTA và Canxi disodium EDTA. Chất này tồn tại dưới dạng chất rắn không màu và tan trong nước.

EDTA và các muối của chất này ban đầu chỉ được sản xuất để sử dụng trong một số ngành công nghiệp cụ thể như hạn chế sự đông của canxi trong nước để giảm bớt vết bẩn phát sinh trong ngành dệt.

Và trong thế chiến thứ hai, nhiều nhà khoa học đã thử nghiên cứu EDTA về khả năng giải độc của chúng. Và bất ngờ, EDTA có khả năng giải độc cao đối với các kim loại nặng (giải độc chì). Tương tự như khi truyền canxi vào máu, chất này không gây hại hoặc làm phát sinh tác dụng phụ.

Việc ứng dụng EDTA và các muối của chất này đã được mở rộng sang lĩnh vực mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc và thực phẩm.

Bạn có thể tìm thấy EDTA Disodium trong hầu hết các sản phẩm chăm sóc cá nhân, bao gồm kem dưỡng da mặt và kem dưỡng da, kem chống nắng, kem chống lão hóa, sữa rửa mặt, dầu gội, dầu xả, thuốc nhuộm tóc, sữa tắm, kem dưỡng mắt, v.v.

II – Công dụng của Disodium EDTA

Một trong những chức năng chính của EDTA Disodium là hoạt động như một tác nhân chelating. Chelating được định nghĩa là những thành phần phức tạp có công dụng làm bất hoạt các ion kim loại. Nhờ vậy, chúng giúp hạn chế những tác động bất đối với sự ổn định của sản phẩm

EDTA hoạt động bằng cách liên kết với các ion kim loại (ví dụ như Ca2 + và Fe3 +), sau đó làm bất hoạt chúng. Khi bị liên kết bởi EDTA vào một phức kim loại, các ion kim loại vẫn còn trong dung dịch nhưng khả năng phản ứng của chúng đã được dần vô hiệu hóa

Trong mỹ phẩm chứa rất nhiều kim loại có nguồn gốc khác nhau. Đặc biệt là các mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Ngoài ra nước trong thành phần mỹ phẩm cũng có thể chứa kim loại. Nếu không được khử, các ion kim loại này có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm.

Sự liên kết giữa các ion kim loại có trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác giúp hạn chế khả năng hư hỏng và bảo vệ các thành phần không bị biến chất. Có thể nói vai trò của EDTA tương tự như một chất bảo quản. Và khi liên kết với canxi, sắt hoặc magiê chất này sẽ có khả năng tạo bọt và làm sạch.

Không chỉ vậy, còn có một công dụng khác của EDTA disodium chính là liên kết các ion kim loại nặng và các nguyên tố vi lượng có trong nước máy, ngăn không cho các kim loại này đọng trên da, tóc và da đầu.

Mặc dù nước cứng không gây hại cho sức khỏe, nhưng chúng có thể làm ảnh hưởng rất lớn đến tóc và da. Nước cứng làm tăng nguy cơ tích tụ kim loại trên tóc, vì thế  khiến tóc nhuộm nhanh bị mất màu và làm tăng nguy cơ gãy rụng.

Đồng thời nước cứng còn khiến việc rửa sạch da với xà phòng trở nên khó khăn hơn. Vì thế da bạn sẽ dễ bị khô và kích ứng. EDTA disodium giúp chống lại tác động gây hại của nước cứng lên da. Nhờ đó, chất này đã được chọn để trở thành một thành phần đặc biệt trong các chất tẩy rửa trên da

III – Độ an toàn của Disodium EDTA

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tiến hành xem xét và phê duyệt EDTA hoàn toàn an toàn khi được bổ sung vào thành phần thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác

Đồng thời, Hội đồng chuyên đánh giá thành phần mỹ phẩm CIR cũng đã công nhận EDTA là thành phần an toàn khi được dùng trong mỹ phẩm. Chất này hoàn toàn không gây ra các dấu hiệu dị ứng hoặc tạo tác dụng phụ trên da.

Ngoài ra, hiện cũng đã có nhiều thí nghiệm chứng minh rằng nồng độ tiêu chuẩn của EDTA khi dùng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác không gây kích ứng, mẫn cảm trên da.

Và chất này cũng đã được chứng minh có khả năng làm tăng khả năng xâm nhập của các thành phần khác vào da. Chính vì vậy cần thận trọng khi kết hợp với những chất có khả năng gây hại và làm tổn thương da.

Vậy là TuDienLamDep vừa cùng bạn khám phá thêm một thành phần thường có mặt trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác. Chất này thường được  dùng làm chất bảo quản và được chứng minh lâm sàng không gây hại hoặc kích ứng cho da trong nồng độ cho phép

You might like

About the Author: Dương Thùy Trang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *